Nhằm giải quyết vấn đề giao thông cho tuyến Nhơn Trạch (Đồng Nai) về Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), dự án xây cầu Cát Lái thay phà Cát Lái đã được lên kế hoạch. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm, dự án này vẫn chưa được thực thi. Mới đây nhất, UBND tỉnh Đồng Nai và UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có những thông báo về dự án này. Hãy theo dõi những tin mới nhất về cầu Cát Lái qua bài viết dưới đây.
Mục Lục
Tin mới nhất về cầu Cát Lái: chính thức lựa chọn phương án thi công
Dự án xây dựng cầu Cát Lái bổ sung vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh vào tháng 5/2017 đã được Chính phủ chấp thuận. Theo đó, dự án này sẽ có hướng tuyến cầu bắt đầu từ nút giao thông Mỹ Thủy phía TP. Hồ Chí Minh. Tiếp đó, tuyến sẽ đi dọc theo đường Nguyễn Thị Định, vượt sông Đồng Nai và hướng về tỉnh lộ 25B phía tỉnh Đồng Nai. Đến tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với TP. Hồ Chí Minh để thực hiện dự án xây dựng cầu Cát Lái.
Đưa ra hai phương án thi công
UBND tỉnh Đồng Nai đã đưa ra lựa chọn một trong hai phương án xây dựng cầu Cát Lái.
- Phương án 1: hướng tuyến bắt đầu từ nút giao Mỹ Thủy, đi dọc theo đường Nguyễn Thị Định trên địa bàn quận 2 (cũ) của TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, cầu sẽ vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái.
- Phương án 2: hướng tuyến bắt đầu với đường vành đai 2 (cách cổng trạm thu phí Phú Mỹ khoảng 450m và cách nút giao thông Mỹ Thủy hơn 1km) rồi dọc theo đường nội bộ, cắt qua rạch Kỳ Hà trên địa bàn quận 2 (cũ). Sau đó cầu sẽ vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái.
Chọn phương án 2 để thi công
Cả 2 phương án xây dựng cầu Cát Lái được UBND TP. Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, cân nhắc. Sau nhiều lần họp bàn, phương án 2 được chú trọng hơn. Tháng 4/2021, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai sửa đổi một số điểm trong phương án 2 cho phù hợp với thực tế. Đơn vị tư vấn thiết kế dự án này là Công ty Cổ Phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải Đồng Nai. Đơn vị này cho biết theo phương án 2 thì cầu Cát Lái sẽ có chiều dài hơn 10,6km.
Đến ngày 11/5, sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản trả lời Sở GTVT tỉnh Đồng Nai. Theo đó, phương án 2 với tổng chiều dài 10,6km sẽ được chọn thực hiện trong năm 2021 với tổng vốn đầu tư là 7200 tỷ.
Cầu Cát Lái có ý nghĩa thế nào với Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh? – Tin mới nhất về cầu Cát Lái
Giải quyết vấn đề giao thông
Trên thực tế, số lượng xe từ Nhơn Trạch qua phà Cát Lái để đến TP HCM và ngược lại rất lớn. Cầu Cát Lái sẽ có ý nghĩa về mặt giao thông, nhất là giao thông đối ngoại của thành phố. Dự án còn giúp nối kết giữa thành phố với Đồng Nai và cả Bà Rịa – Vũng Tàu.
Hiện nay, ở khu vực Cát Lái đã có cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây nối thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Nam Bộ. Tuy nhiện, hướng tuyến chủ yếu vẫn là kết nối với Phan Thiết, Đà Lạt. Chưa kể, đường cao tốc lại chỉ dành cho ô tô. Còn xe máy và các loại xe thô sơ nếu muốn từ Long Thành đến thành phố Hồ Chí Minh phải đi vòng khá xa. Cầu Cát Lái xây dựng sẽ kết nối giao thông, giúp đường từ Sài Gòn về Vũng Tàu giảm được hơn chục cây số. Người dân cũng không phải mất thời gian chờ phà như trước.
Thúc đẩy phát triển kinh tế
Với sự có mặt của cầu Cát Lái, các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài sẽ thuận tiện hơn khi chọn đầu tư tại khu vực Nhơn Trạch – Thủ Đức. Nhất là khi các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch ở hai địa phương này đều đang trên đà phát triển mạnh. Đồng thời, việc xây cầu cũng thúc đẩy tăng giá bất động sản ở cả Khu Đông Sài Gòn và huyện Nhơn Trạch Đồng Nai.
Cầu cũng góp phần kéo giãn lượng dân cư, thay vì chọn sống ở Sài thành đắt đỏ, người dân có thể chọn Nhơn Trạch và đến thành phố làm việc rất thuận lợi.
Như vậy, với những tin mới nhất về cầu Cát Lái, người dân có thể tin tưởng, chờ đợi một chiếc cầu nối liền 2 bờ sẽ sớm được khởi công xây dựng. Thời gian xây dựng cầu và những tin tức mới hơn sẽ được chúng tôi cập nhật liên tục để quý độc giả được biết.